7 giờ 30 sáng. – Bệnh nhân ngừng thở rồi bác sĩ Trần. – Lena kêu thất thanh khi vừa thấy tôi bước vào phòng. Tôi hơi giật mình vì chưa gặp bệnh nhân lần nào. Theo thói quen, tôi nói to: – Làm CPR (xoa bóp tim ngoài lồng ngực), bật mã Code Blue (mã bệnh nhân ngưng tim phổi), gọi ICU (khoa hồi sức cấp cứu), bấm nút gọi điều dưỡng. Lena Lee và Christopher Chang, hai bác sĩ nội trú trong nhóm tôi, lập tức hạ giường bệnh nhân xuống,bấm các nút gọi khẩn cấp, và lấy miếng cứng trên đầu giường đặt dưới lưng bệnh nhân. Lena, cô bác sĩ nội trú nhỏ nhắn người Trung Quốc, đứng bên cạnh giường chụm hai bàn tay vào nhau làm CPR. Cô đẩy mạnh xuống ngực bệnh nhân từng nhịp nhanh nhẹn và dứt khoát. Bên cạnh, Christopher nhanh chóng kiểm tra mạch và xem lại hồ sơ bệnh nhân. – Xe đẩy cấp cứu, ống nội khí quản. – Tôi la to. Cô điều dưỡng vừa bước vào phòng lập tức chạy vội ra hành lang đẩy chiếc xe nhỏ màu đỏ vào. Cô giật đứt sợi dây niêm phong, kéo ngăn lôi ra một đống ống nội khí quản và bóng khí. – Cỡ 7.5mm được không bác sĩ? – Được. – Tôi nói nhanh, vừa nhìn cổ bệnh nhân vừa ước lượng kích cỡ. – Có mạch rồi. – Chris nói to sau vài phút làm CPR đổi phiên với Lena. Lúc này trong phòng vừa có thêm điều dưỡng và hai bác sĩ trực. – Bóp bóng khí, kiểm tra oxy! – Tốt, mở thêm đường tĩnh mạch bên phải, tiêm thuốc vận mạnh. – Tôi tiếp tục. Vừanói, tôi vừa đeo găng tay bước lên đầu giường. Tôi nâng cằm bệnh nhân lên đồng thời đẩy hàm và ngửa đầu bệnh nhân về phía sau. Tay trái tôi cầm thanh dụng cụ hình lưỡi gà đút vào miệng, kéo lưỡi bệnh nhân lên, vừa nhìn thấy thanh quản, tay phải tôi cầm ống nội khí quản từ cô điều dưỡng đút sâu vào bên trong. Cùng lúc, nhóm bác sĩ của khoa ICU vừa tới. – Chào bác sĩ Young. – Tôi ngước lên nhìn và chào. – Chào bác sĩ Trần. Wow, nhóm anh nhanh thật, đặt luôn ống nội khí quản rồi hả? – Young nói. – Có gì đâu, bác sĩ Young. Chúng tôi chỉ làm theo thói quen thôi. – Tôi nhoẻn cười. Vừa nói tôi vừa đi xuống phía chân bệnh nhân và sờ các nốt mẩn đỏ lốm đốm bên dưới. – Anh có biết vì sao bệnh nhân ngưng thở? – Bác sĩ Young hỏi tiếp. – Tôi chưa biết vì sao bệnh nhân ngừng thở, nhưng tôi đoán có liên quan đến bệnh tự miễn, vì bệnh nhân xuất huyết phổi, nổi mẩn da, tụt tiểu cầu và ho ra máu. Bác sĩ nội trú của tôi sẽ theo dõi ca này và đặt xét nghiệm lab. Giao bệnh nhân cho nhóm ICU xong, nhóm chúng tôi gồm Lena – bác sĩ nội trú năm ba chuyên khoa nội và Christopher – bác sĩ nội trú năm nhất mới vào thực tập, bước về căn tin bệnh viện để dùng bữa sáng. * Hơn 8 giờ sáng. Khu vực dành cho nhân viên ở căn tin ồn ào, chật kín màu áo trắng và áo xanh phòng mổ. Theo thói quen, tôi chọn một ly cà phê Starbucks nóng, thêm bốn bịch đường và bốn muỗng kem sữa, lấy một lát bánh bông lan vàng cháy có miếng dâu tây phía trên vừa nướng xong – món khoái khẩu buổi sáng của tôi tại bệnh viện này. – Hình như cà phê Starbucks ở đây ngon hơn ở bệnh viện Keck (Bệnh viện Đại học Nam California) thì phải. – Vừa nhấp môi tôi vừa nói. – Làm sao thầy biết ngon hơn? Cả hai cùng là cà phê Starbucks mà? – Lena hỏi. – Bệnh viện này ít việc hơn bệnh viện Keck, chúng ta có thêm thời gian nhâm nhi cà phê nên thấy ngon hơn. – Tôi trả lời. Lena và Chris cùng cười. – À, hôm nay mình có mấy ca tư vấn? – Tôi hỏi tiếp. – Hai ca thôi, thưa thầy. Ca vừa rồi mới nhập ICU nên em sẽ theo dõi. Còn ca hôm qua thì ổn rồi. – Okay, vậy tốt. Em đang nộp đơn vào chuyên khoa sâu (fellowship) phải không? – Tôi hỏi Lena. – Em vừa nộp thưa thầy. Em hồi hộp quá vì chuyên khoa tự miễn và cơ xương khớp năm nay cạnh tranh cao. – Không sao đâu, em sẽ vào được mà. – Tôi cầm ly cà phê cụng vào ly của Lena. Quay qua Christopher, tôi hỏi: - Christopher, em quen với công việc thực tập chưa? - Dạ chưa, công việc nhiều quá làm em hơi stress. – Không sao cả, em đừng lo. Lena sẽ dạy em. Sau khi thảo luận về các ca trong ngày, tôi tạm biệt mọi người ra về. Công việc giảng dạy của tôi chủ yếu tại phòng khám, tại bệnh viện, chúng tôi là nhóm tư vấn. Tôi tranh thủ dạy các bác sĩ nội trú những ca bệnh hay mà chúng tôi gặp hằng ngày. * Từ hành lang căn tin, tôi bước ra bãi đậu xe thì trời đổ mưa. Mùa xuân California, hạt mưa nhỏ li ti bám trên những nụ hoa vừa chớm nở sáng sớm trong khuôn viên bệnh viện buổi sáng làm lòng tôi nhẹ lại. – Pác sĩ Trần. – Ủa, chú Tư hả? – Tôi quay lại chào khi nghe có tiếng gọi từ phía sau. Chú Tư là người Việt gốc Hoa làm lao công ở bệnh viện này. Vợ chú là bệnh nhân của tôi. – Pác sĩ ăn chè đậu đỏ không, hôm nay vợ ngộ có nấu ngon lắm? Biết hôm nay pác sĩ trực nên vợ ngộ kêu ngộ mang theo. – Giọng chú lơ lớ. – Wow, ngon vậy hả chú Tư! Dạ, con cảm ơn chú. – Pác sĩ đợi tui tí. Bác Tư đưa tôi tô chè đậu đỏ được gói cẩn thận trong bọc ni lông kèm theo cái muỗng nhựa. Tôi cầm lấy rồi chạy vội vào xe đóng cửa tránh mưa. Mùi chè thoang thoảng làm tôi không nhịn được phải mở vội bịch ra, cẩn thận lấy tô chè đậu đỏ trong hộp để chỗ tay vịn xe. Nhìn đồng hồ mới hơn 8 giờ rưỡi mà 9 giờ văn phòng tôi mới mở cửa, tôi tranh thủ bật mấy bài nhạc yêu thích lên nghe rồi ngồi nhâm nhi tô chè. Lúc đưa muỗng lên, tôi nhận ra mùi đậu đỏ béo ngậy y như chén chè mẹ nấu năm xưa tôi hay ăn trong mùng vào buổi tối. Tôi nhắm mắt lim dim, chìm vào ký ức về chén chè đậu đỏ…
Con đường học thuật của tôi bắt đầu từ chén chè đậu đỏ…
Comments